Hướng dẫn nuôi GHÉP cá TRẮM ĐEN với các loại cá khác


Hiện nay trên thị trường thủy sản, cá Trắm đen là một sản phẩm đang rất được ưa chuộng, do thịt cá có nhiều chất bổ dưỡng (19,5% protein, 5,5% lipid, nhiều canxi, photpho, sắt, các vitamin B1, B2...), thậm chí có thể làm nguyên liệu dược hỗ trợ chữa được nhiều bệnh.... Nhu cầu về cá Trắm đen trên thị trường hiện đang rất lớn, tuy nhiên lượng sản phẩm mà nuôi trồng thủy sản tạo ra lại chưa đủ đáp ứng. Từ trước tới nay, trong nhân dân thường chỉ thực hiện nuôi cá trắm đen theo kiểu thả ghép với tỷ lệ rất thấp trong ao hoặc trong ruộng, dẫn đến năng suất kém, sản lượng rất thấp bởi thức ăn chính của cá là các loại ốc tự nhiên trong ao đầm không đủ cung cấp. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương đã hợp tác xây dựng mô hình nuôi ghép cá Trắm đen với một số loài cá khác và sử dụng thức ăn công nghiệp là chính nhằm xác định được loại cá nào có thể nuôi ghép cùng với cá Trắm đen mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất.Các mô hình được xây dựng ở vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản thuộc huyện Nam Sách và Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Các ao được chọn để xây dựng mô hình là những ao có nguồn nước sạch, hệ thống cấp và thoát nước chủ động; chủ hộ có kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi cá, có tiềm lực kinh tế và quản lý chăm sóc tốt.


Các ao có diện tích từ 800 - 2000m2, thả cá vào ngày 9/5 (riêng mô hình số 5 thả cá muộn hơn vào 27/08/2009) và kết thúc giai đoạn theo dõi vào 31/12/2009; kích cỡ cá Trắm đen giống và mật độ thả có sự khác nhau giữa các mô hình. Cá Rô đồng giống cỡ 3000 con/kg được thả ở mật độ 20 con/m2, cá Mè trắng giống cỡ 100-200 g/con, cá Chép giống cỡ 100-150 g/con. Cá giống Trắm đen được kiểm tra ngoại ký sinh trùng và tắm nước muối loãng 2% trước khi thả.
Các mô hình đều sử dụng thức ăn Cargill có hàm lượng protein giảm dần từ 35 - 28%. Cám Cargill 35% protein được sử dụng từ tháng đầu tiên đến tháng nuôi thứ 3, tháng nuôi thứ 4; 5 sử dụng cám 30% protein, các tháng nuôi sau đó sử dụng cám Cargill 28% protein đến khi kết thúc quá trình nuôi.
Trong quá trình chăm sóc, các yếu tố môi trường như nhiệt độ và oxy hòa tan được đo hàng ngày vào 6 giờ sáng, các yếu tố khác như pH, Ammonia tổng số, Nitrite, Nitrate được đo hàng tuần ở tất cả các mô hình. Mẫu môi trường được xác định bằng phương pháp APHA (1998), Boyd và Tucker (1992).
Tốc độ sinh trưởng của cá Trắm đen ở các mô hình được kiểm tra định kỳ 1 tháng 1 lần bằng cách cân, đo ngẫu nhiên 30 cá cho mỗi mô hình. Khi kết thúc quá trình nuôi cá được cân đo toàn bộ, tính toán các chỉ tiêu như: tốc độ sinh trưởng theo ngày (DWG), tỉ lệ sống (SR), hệ số chuyển hoá thức ăn (FCR), tính toán hiệu quả kinh tế của từng loại thức ăn, từng mật độ nuôi.

1. Môi trường nuôi cá Trắm đen ở các mô hình
Qua theo dõi suốt quá trình nuôi cho thấy các yếu tố môi trường giữa các mô hình không có sự sai khác và tương đối ổn định, nằm trong khoảng thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cá Trắm đen.
Nhiệt độ nước ở các mô hình nuôi ghép cá Trắm đen có sự biến động theo các tháng trong năm, nhiệt độ trung bình từ 24,21 - 26,56C, cao nhất đạt 35,7C; nhiệt độ nước đạt mức thấp nhất là 15C. Tuy nhiên do các ao đều có mức nước sâu trên 1,7m nên nhiệt độ tăng, giảm không ảnh hưởng đến sinh trưởng của cá Trắm đen. Các yếu tố môi trường khác như oxy hòa tan dao động từ 3,44 - 7,77 mg/l; pH dao động từ 6,5 - 8,7; NO2- dao động từ 0,08 - 0,35 mg/l; NH3 dao động từ 0,007 - 0,18 mg/l, đều nằm trong khoảng thích hợp cho sinh trưởng của các loài cá nước ngọt nói chung và cá Trắm đen nói riêng. Riêng ở các mô hình nuôi ghép cá Trắm đen với cá Chép thường có độ trong thấp hơn do đặc tính ăn đáy của cá Chép làm đục ao nuôi.
2. Sinh trưởng và hệ số chuyển hóa thức ăn của cá
2.1. Kết quả kiểm tra sinh trưởng của cá Trắm đen

Sinh trưởng của cá Trắm đen ở các mô hình có sự khác nhau do nhiều yếu tố như đặc tính sinh học của loài ghép, kỹ thuật chăm sóc, cho ăn cũng như kinh nghiệm trong nuôi thủy sản của các chủ mô hình. Ở các mô hình nuôi ghép với các cá khác, cá Trắm đen có tốc độ sinh trưởng cao, đạt trên 7g/con/ngày. Tốc độ lớn của cá Trắm đen ở các mô hình khác nhau có sự khác nhau, chủ yếu liên quan đến mật độ thả và kích cỡ cá giống.
Ở mô hình số 1, 2 và mô hình số 5, chủ mô hình đã thả cá Trắm đen cỡ lớn, do vậy cá có sức tăng trưởng tương đối nhanh, cỡ cá Trắm đen khi kiểm tra cuối năm 2009 dao động từ 1,4 - 2,3kg. Ở 2 mô hình số 1 và 2, cá có kích cỡ lớn hơn so với ao mô hình số 5, trung bình đạt từ 1,8 - 2,3 kg và 1,9 - 2,3 kg so với cỡ 1,4 - 1,8kg ở mô hình số 5. Đây là điều hợp lý do cá Trắm đen ở mô hình số 5 thả sau các mô hình còn lại tới hơn 3 tháng, mặt khác cá được thả với mật độ khá thưa so với các mô hình nuôi ghép còn lại (0,5 con/m2). Mặc dù thả sau, đến hết năm 2009 cá mới được 4 tháng nuôi, nhưng đã có kích cỡ 1,4 - 1,8kg, chứng tỏ tốc độ lớn của cá Trắm đen rất tốt. Hai mô hình thả cá Trắm đen giống cỡ lớn còn lại có tốc độ lớn thấp hơn nhưng không nhiều (do thả ở mật độ 1 con/m2), tốc độ sinh trưởng đạt 6,5 - 8,7 và 6,9 - 8,7 g/con/ngày. Do đây là hai mô hình thả ghép với cá Rô đồng nên thời gian nuôi ghép chỉ trong 4 tháng đầu, sau đó khi cá Trắm đen đã lớn thì cũng là lúc cá Rô đồng có thể thu hoạch.
Ở mô hình số 3, cá Trắm đen được nuôi ghép với cá Mè trắng. Tuy nhiên do mô hình này được thả với mật độ cao (1,5 con/m2) nên cá tăng trưởng ở mức vừa phải. Mặt khác, mô hình số 3 thả cá Trắm đen giống cỡ nhỏ (30 - 50 g/con) nên khi kiểm tra cá có kích cỡ nhỏ hơn so với 2 mô hình thả cá giống cỡ lớn ở cùng thời điểm, tăng trọng trung bình của cá Trắm đen dao động từ 1,4 - 2,0 kg/con. Tốc độ tăng trưởng của cá từ 5,9 - 8,5 g/con/ngày. Ở mô hình này cần quan tâm đến yếu tố oxy hòa tan trong nước, cá Mè trắng tuy không cạnh tranh với cá Trắm đen về thức ăn và không gian sống nhưng lại cạnh tranh về oxy, do đó vào những thời điểm thời tiết âm u, cá Trắm đen thường bị thiếu khí, đã ảnh hưởng đến sinh trưởng và hiệu quả sử dụng thức ăn của cá Trắm đen. Do đó sau khi nuôi được hơn 4 tháng, đề tài và chủ mô hình đã san cá sang ao có diện tích rộng 1200m2, gấp 1,5 lần diện tích ao ban đầu, tương đương với mật độ 1 con/m2.
Đối với mô hình số 4, cá Trắm đen được nuôi ghép với cá Chép cho thấy, ao nuôi thường xuyên bị đục do cá Chép ăn đáy đã làm đục nước ao. Nguyên nhân chính khiến cá Trắm đen ở mô hình số 4 có tốc độ tăng trưởng thấp (3,3 - 6,7 g/con/ngày, cỡ cá khi kiểm tra nhỏ, dao động từ 0,8 - 1,6 kg/con) là do mô hình này thả cá giống cỡ nhỏ, đồng thời lại thả cá với mật độ dày (3 con/m2) nên đã ảnh hưởng tới tốc độ lớn của cá Trắm đen.
Đối với các loài cá nuôi ghép cùng cá Trắm đen ở các mô hình cho thấy các loài nuôi ghép đều có sinh trưởng tốt. Cá Rô đồng sau 4 tháng nuôi đều đạt cỡ thương phẩm để xuất bán (15 – 17 con/kg); còn cá Chép ở 2 mô hình 4 và 5 có kích cỡ trung bình đều đạt trên 1,2kg đối với mô hình số 4 và 1,0 kg đối với mô hình số 5 (do thả sau). Nguyên nhân chính giúp cho cá Rô đồng và cá Chép có tốc độ sinh trưởng tốt là do các mô hình đều sử dụng thức ăn có hàm lượng protein cao (28 - 35%) cho cá Trắm đen, đó cũng là những loại thức ăn rất thích hợp cho nuôi cá Rô đồng và cá Chép. Riêng đối với cá Mè, mặc dù không sử dụng thức ăn của cá Trắm đen nhưng thức ăn cao đạm sử dụng cho cá Trắm đen đã góp phần làm giàu các muối dinh dưỡng trong ao, gián tiếp giúp phát triển thức ăn tự nhiên của cá Mè trắng.
2.2. Kết quả theo dõi tỷ lệ sống của cá Trắm đen ở các mô hình nuôi ghép.
Tỷ lệ sống của cá Trắm đen cũng như các cá khác nuôi ghép trong các mô hình đều tương đối cao, trong suốt quá trình nuôi không thấy có các biểu hiện của bệnh. Số lượng cá Trắm đen chết qua theo dõi chủ yếu là số cá yếu, chết sau khi vận chuyển. Trong thời gian còn lại của quá trình nuôi chỉ có một số ít cá chết rải rác nhưng không đáng kể. Hai mô hình thả cá giống cỡ nhỏ (40 g/con) có lượng cá chết sau khi thả cao hơn. Nhìn chung cá Trắm đen có tỷ lệ sống bằng hoặc thấp hơn các cá khác nuôi ghép cùng. Trong khi các cá khác nuôi ghép cùng là cá Rô đồng và cá Chép có sức chịu đựng khá tốt. Cá Rô đồng có cơ quan hô hấp phụ, có thể lấy oxy trực tiếp từ không khí và có thể chịu đựng môi trường sống chật hẹp hoặc ô nhiễm rất tốt. Tỷ lệ sống của cá Rô đồng ở hai mô hình 1 và 2 đạt lần lượt là 88,7 và 92,6%. Tỷ lệ sống của cá Chép là cao nhất trong số các loài cá thả ghép, đạt 92,5 và 94,8% ở hai mô hình 4 và 5, một phần nguyên nhân do cá Chép giống thả có kích cỡ lớn (100 g/con). Kể cả trong mô hình thả mật độ cá Trắm đen rất dày, cá Chép cũng có thể chịu đựng tốt. Riêng đối với cá Mè trắng do được thả thưa, chất lượng nước ao lại sạch nên có tỷ lệ sống cao (đạt 88,9%).
2.3. Kết quả theo dõi thức ăn và hệ số thức ăn
Ở tất cả các mô hình nuôi ghép, cỡ cá Trắm đen đến thời điểm kiểm tra hết năm 2009 đều còn nhỏ, chưa thể xuất bán. Ngoài ra, ở các mô hình nuôi ghép với cá Rô đồng và cá Chép, các loài cá này đều sử dụng chung thức ăn với cá Trắm đen. Do vậy chưa thể tính toán được hệ số thức ăn của cá Trắm đen. Theo tính toán, đến 31/12 năm 2009, mô hình này đã sử dụng hết 4190 kg thức ăn tương đương với hệ số thức ăn FCR, đạt 2,6kg thức ăn cho 1kg cá tăng trọng. Hệ số 2,6 đối với cá Trắm đen là hệ số thức ăn hợp lý, chứng tỏ cá sử dụng hiệu quả lượng thức ăn được cung cấp. Có được hệ số này một phần nhờ cá Mè trắng thả chung đã góp phần làm sạch nước, tạo môi trường thuận lợi cho cá Trắm đen sinh trưởng và phát triển.
3. Ước tính hiệu quả kinh tế của các mô hình nuôi ghép cá Trắm đen
Hiệu quả kinh tế của các mô hình được tính toán dựa trên các chi phí về giống, chi phí về thức ăn chung cho cả cá Trắm đen và cá khác từ khi khả giống đến thời điểm 31/12/2009 và phần lãi đã thu từ việc bán các cá khác ghép cùng. Các chi phí về điện, nước và công lao động,... không được tính đến và coi như bằng nhau giữa các mô hình.
Cả 4 mô hình đều có hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các mô hình nuôi truyền thống và theo phương thức thả ghép các loài cá truyền thống chỉ đạt 10 – 15 triệu VNĐ/1000m2. Mặt khác, các mô hình đều thả cá Trắm đen với tỷ lệ rất cao (80% số cá thả) nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với các mô hình nuôi ghép cá truyền thống.
Kết quả cũng cho thấy mô hình nuôi ghép cá Trắm đen với cá Mè trắng cho hiệu quả thấp nhất trong số 4 mô hình nói trên. Mặc dù cá Mè trắng có tác dụng làm sạch nước, rất tốt cho sinh trưởng của cá Trắm đen. Nhưng điều bất lợi ở chỗ cá Mè lại là loài cạnh tranh oxy với cá Trắm đen, gây bất lợi vào những thời điểm thời tiết âm u, lượng oxy hòa tan thấp bởi cá Trắm đen rất nhạy cảm và yêu cầu lượng oxy hòa tan cao.
So sánh giữa 2 mô hình nuôi cá Trắm đen ghép với Rô đồng và ghép cá Trắm đen với cá Chép cho thấy hiệu quả trên 1000m2 mà mô ghép cá Trắm đen với cá Chép đạt thấp hơn không nhiều so với 2 mô hình 1 và 2 (ghép cá Trắm đen với Rô đồng) và cũng đạt hiệu quả cao, trên 61 triệu VNĐ/1000m2, trong điều kiện sau khi đã san đàn, giảm mật độ. Đối với mật độ nuôi ban đầu của mô hình này (3 con/m2) là quá cao và chỉ nên giữ mật độ này khi cá còn ở giai đoạn cá giống (trọng lượng trung bình dưới 500 g/con).
Nổi bật lên trong các mô hình là mô hình nuôi cá Trắm đen ghép với cá Rô đồng. Hiệu quả mà 2 mô hình này đem lại là rất cao, đạt được 66,57 và 68,37 triệu đồng/1000 m2. Mặt khác, 2 mô hình nuôi ghép với cá Rô đồng còn thể hiện nhiều ưu điểm như đối tượng cá Rô đồng có thời gian nuôi ngắn (chỉ 4 tháng đầu) và có sức chịu đựng tốt, có thể nuôi với mật độ cao (mật độ thả cá Rô đồng 20 con/m2). Cá Rô đồng có tập tính lao lên khỏi mặt nước để đớp khí (cá có cơ quan hô hấp phụ, có thể hấp thu oxy trực tiếp từ không khí), đặc biệt vào sáng sớm hoặc khi ao thiếu oxy.
Một số khuyến nghị:
Qua thực tế áp dụng các mô hình nuôi ghép cá Trắm đen trong ao thời gian qua, chúng tôi khuyến nghị:
Mô hình nuôi cá Trắm đen ghép với cá Rô đồng là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao (66,57 và 68,37 triệu đồng/1000 m2),. Mật độ thả cá Trắm đen là 0,5 - 1 con/m2 và thả giống cỡ lớn (trên 300 g/con). Ngoài ra có thể áp dụng mô hình nuôi cá Trắm đen ghép với cá Chép ở mật độ 1 con/m2 cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên cần thả cá Trắm đen giống lớn (300g/con) và thời điểm thả sớm vào đầu vụ sẽ có tỷ lệ sống cao và sức chống chịu tốt, đồng thời tốc độ sinh trưởng nhanh hơn sẽ giúp cá đạt được kích cỡ lớn vào cuối vụ nuôi, từ đó thu được lợi nhuận cao hơn. Đối với cá Chép cũng nên thả sớm hơn, cỡ cá giống thả lớn sẽ nâng cao được tỷ lệ sống cũng như hiệu quả kinh tế mang lại. Không nên nuôi ghép cá Trắm đen ghép với cá Mè trắng do cá Mè trắng tiêu hao nhiều oxy, bất lợi cho sinh trưởng của cá Trắm đen; mặt khác cá Mè trắng có giá trị kinh tế thấp, khó tiêu thụ.
Liên hệ: 079.606.4797 để được cung cấp con giống

Cá Giống Kim Ngư

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét